Chuyển đổi số trong ngành tài chính ngân hàng là bắt buộc và là cuộc đua khốc liệt giữa các tổ chức tài chính, nhất là trong giai đoạn đại dịch Covid 19 đang có nhiều diễn biến phức tạp khiến cho các giao dịch điện tử ngày càng được ưu tiên sử dụng.
Theo các chuyên gia tư vấn của công ty MCG, ngân hàng số là tất cả hoạt động của ngân hàng đều thông qua môi trường số theo mô hình 3 1 0: 3 phút hoàn thành hồ sơ, 1 giây phân tích phê duyệt và 0 (không) có sự tham gia của con người. Chuyển đổi số nên chia làm ba mảng lớn là chuyển đổi trong nội tại, chuyển đổi mô hình kinh doanh và chuyển đổi văn hóa doanh nghiệp. Đây là ba lĩnh vực có liên quan mật thiết đến nhau; theo đó chuyển đổi số nghĩa là phải chuyển đổi đồng thời cả ba lĩnh vực này.
Tham khảo:>> Vai trò của chuyển đổi số trên thị trường bất động sản
Có 10 xu hướng chuyển đổi số bao gồm: (1) Thay đổi mô hình kinh doanh, (2) Thay đổi phương thức cạnh tranh về sản phẩm dịch vụ, (3) Giảm giá thành sản phẩm dịch vụ, (4) Phát triển kênh phân phối sản phẩm dịch vụ ngân hàng qua các thiết bị thông minh, (5) Ứng dụng sinh trắc học trong phê chuẩn và xác thực giao dịch, (6) Ứng dụng kinh tế chia sẻ cho hạ tầng dịch vụ, (7) Sản phẩm dịch vụ tùy biến hơn theo nhu cầu của khách hàng, (8) Dịch vụ thông minh hơn, (9) Cấu trúc dịch vụ được định hình lại, (10) Chuyển giao công nghệ và tri thức.
Nhận định về chuyển đổi số ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Cường, chủ tịch HĐQT Ngân hàng Hợp tác (NHHT – Co-opBank) cho biết, đề án của Thủ tướng chính phủ và Quyết định 810 của Thống đốc NHNN cho thấy việc chuyển đổi số trong ngành tài chính ngân hàng là bắt buộc và là cuộc đua khốc liệt giữa các tổ chức tài chính, nhất là trong giai đoạn đại dịch Covid 19 đang có nhiều diễn biến phức tạp khiến cho các giao dịch điện tử ngày càng được ưu tiên sử dụng. “Việc chuyển đổi số đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết và Co-opBank sẽ tập trung nguồn lực để chuyển đổi sang công nghệ hiện đại” – ông Cường nói tại buổi họp trực tuyến khởi động “Dự án tư vấn xây dựng chiến lược chuyển đổi số và CNTT cho NHHT giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030” của Co-opBank diễn ra mới đây.
Từ năm 2015 đến nay, thị trường tài chính chứng kiến sự phát triển vượt bậc của rất nhiều công ty Fintech nhỏ, cạnh tranh trực tiếp với một số mảng hoạt động của ngân hàng. Xu hướng giao dịch không dùng tiền mặt trong giai đoạn 5 năm qua tăng đến hơn 100% thúc đẩy các ngân hàng triển khai rất nhiều app tiện lợi cho khách hàng. Thị trường đang đi theo xu hướng thanh toán thời gian thực và các kênh tài chính số và Co-opBank cũng không nằm ngoài xu hướng này. Các chuyên gia nhận định rằng có 3 lí do chính cho việc chuyển đối số tại NHHT là (1) theo yêu cầu của chính phủ và NHNN, (2) theo yêu cầu của thị trường và (3) theo đòi hỏi thực tế từ hoạt động của Co-opBank.
Về các vấn đề cần quan tâm khi xây dựng và triển khai chuyển đổi số và CNTT của Ngân hàng hợp tác xã dựa trên kinh nghiệm của các ngân hàng và các công ty Fintech tại Việt Nam, các chuyên gia tư vấn MCG chia sẻ tầm quan trọng của việc thay đổi văn hóa tư duy – một điều vô cùng quan trọng nhưng lại chưa được chú ý. Ngành tài chính là ngành rủi ro nên các quy trình phải thận trọng, việc chuyển đổi số phải gắn liền với lối suy nghĩ mở mới có thể theo kịp bước tiến của công nghệ.
Ngoài ra, các phòng ban hạ tầng nghiệp vụ thường nằm riêng lẻ, làm việc tuần tự theo quy trình nhưng khi chuyển đổi sẽ phải thực hiện đồng thời và liên tục thay đổi, cập nhật định kỳ. Về kiến trúc hạ tầng số, các chuyên gia nhấn mạnh rằng chính sách quản trị và giải pháp công nghệ phải đồng hành với nhau không thể tách rời. Hiện nay, các ngân hàng đều tập trung vào hồ sơ dữ liệu là một cơ chế sống thay vì kho dữ liệu là cơ chế tĩnh như trước đây. Vì vậy Co-opBank sẽ cần xây dựng chính sách quản trị dữ liệu phù hợp, đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin.
Tham khảo:>> giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp
Được biết, dự án chuyển đổi số của NHHT đã trải qua bước khởi động và đã làm việc với các phòng ban liên quan để tìm hiểu thực trạng và nhu cầu nguyện vọng của NHHT trong việc chuyển đổi số. Bước tiếp theo, Dự án sẽ cập nhật dữ liệu, tiếp tục phối hợp với các phòng, ban và nghiên cứu sâu thêm về dữ liệu thu thập được và dự kiến báo cáo thực trạng sẽ được hoàn thành trong Quý IV/2021.