Sáng ngày 15/12, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Microsoft Việt Nam tổ chức hội thảo, tọa đàm trực tuyến “Đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện – Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong trạng thái bình thường mới”.
Tại hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 xảy ra trên toàn cầu tạo ra một cuộc khủng khoảng đa chiều tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, các đơn hàng giảm mạnh, chi phí sản xuất tăng cao. Nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động, mất khả năng thanh toán và đứng trước bờ vực phá sản, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ.
Xem thêm:>> chuyển đổi số trong ngân hàng
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI |
“Có thể nói, Covid-19 là thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật số đáp ứng yêu cầu chuyển đổi”, ông Phòng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số không đơn giản, nhất là đối với những doanh nghiệp lần đầu tiếp cận với cuộc cách mạng “trăm năm” này.
Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các doanh nghiệp vẫn đang giải quyết nhiều vấn đề như chi phí đầu vào chuyển đổi số cao; hạ tầng công nghệ thông tin hiện tại kém phát triển; giải pháp về rủi ro an ninh mạng khó tiếp cận; nguồn nhân lực chuyển đổi số hạn chế; tổ chức quản lý, quy trình nghiệp vụ, chuỗi cung ứng cần chuẩn hóa và thiếu tiếp cận kiến thức.
Trong định hướng hỗ trợ doanh nghiệp giai đoạn 2022 – 2023, Chính phủ cũng xác định tập trung vào 4 chương trình lớn.
Thứ nhất, hỗ trợ tính năng thanh khoản cho doanh nghiệp (giãn, hoãn thời gian nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí các khoản phải nộp, giảm lãi suất cho vay).
Thứ hai, cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp trong những ngành nghề bị tác động mạnh của dịch bệnh Covid-19 và những nhóm ngành trọng tâm ưu tiên phát triển để tạo đà phục hồi cho kinh tế.
Thứ ba, hỗ trợ tái cấu trúc lao động; hỗ trợ thu hút, đào tạo lại lao động cho doanh nghiệp; tái cấu trúc doanh nghiệp và tài chính doanh nghiệp; quản trị rủi ro.
Thứ tư, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ.
Riêng về hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, từ ngày 7/1/2021, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phê duyệt chương trình Hỗ trợ Doanh nghiệp Chuyển đổi số giai đoạn 2021 – 2025.
Mục tiêu của chương trình là hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp thông qua tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp.
Qua nhiều khảo sát, các doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ mong muốn được hỗ trợ về nâng cao năng lực trong chuyển đổi số để tiếp cận thị trường như tiếp thị, kênh phân phối, bán hàng, nâng cao trải nghiệm khách hàng và thanh toán điện tử.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần được tạo cầu nối với thị trường cung cấp giải pháp chuyển đổi số phù hợp; kết nối doanh nghiệp, nhà cung cấp và ngân hàng, quỹ, nhà đầu tư để có giải pháp tài chính cho các dự án chuyển đổi số.
Đặc biệt, nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp về môi trường kinh doanh số, thực hiện rà soát và hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan như bảo mật dữ liệu, giao dịch điện tử…
Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số
Bà Bùi Thu Thủy cho biết, trong năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ triển khai 3 gói hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.
Gói bắt đầu chuyển đổi số (Start Digital) dành cho doanh nghiệp quy mô nhỏ, mới bắt đầu chuyển đổi số nhằm hỗ trợ doanh nghiệp lựa chọn các giải pháp chuyển đổi số đơn giản và phù hợp nhất để bắt đầu thực hiện quá trình chuyển đổi số. Các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 50% kinh phí, nhưng không quá 20 triệu đồng/năm/doanh nghiệp siêu nhỏ; 50 triệu đồng/năm/doanh nghiệp nhỏ.
Gói tăng tốc chuyển đổi số (Grow Digital) dành cho doanh nghiệp đang tăng trưởng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tăng tốc phát triển dựa trên việc ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số. Doanh nghiệp nhóm này sẽ được hỗ trợ tối đa 50% kinh phí, nhưng không quá 100 triệu đồng/năm/doanh nghiệp vừa.
Tham khảo:>> chuyển đổi số trong ngành bất động sản
Gói chuyển đổi số hướng đến thị trường toàn cầu (Go Digital – Go Global) dành cho các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu thông qua nền tảng số, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp làm chủ quy trình, công nghệ số, phát triển thương hiệu và sản phẩm trên thị trường quốc tế. Các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ tối đa 50% kinh phí khởi tạo, duy trì tài khoản trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.